Cùng tham dự có đại diện các đơn vị: Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công thương); Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH); đại diện các Hội, Hiệp hội nghề nghiệp và đơn vi liên quan. Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Hà Thị Minh Đức cho biết, Hội thảo nhằm tạo diễn đàn trao đổi về tình hình thực hiện các cam kết lao động và lượng hóa mức độ tác động của EVFTA và CPTPP đến một số chỉ tiêu lao động – việc làm.
“Tôi hy vọng, dựa vào những thông tin được cung cấp, Hội thảo có thể trao đổi thêm, đưa ra nhiều khuyến nghị giúp cho Bộ LĐTBXH có thể thực thi tốt hơn những cam kết của mình trong thực thi EVFTA đối với vấn đề lao động - việc làm”, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế chia sẻ thêm.
Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Hà Thị Minh Đức phát biểu khai mạc Hội thảo.
Đa tác động đối với việc làm, lao động sau 02 năm thực thi EVFTA
Trao đổi cùng các đại biểu, ông Phạm Ngọc Toàn, Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH) chia sẻ, quy mô việc làm trong nước bắt đầu giảm vào năm 2020 do dịch bệnh COVID-19 kéo dài, có tác động tiêu cực tới kết quả thực hiện EVFTA của Việt Nam. Tập trung vào các tác động, ông Toàn chia sẻ thêm, EVFTA sẽ tác động tới tỷ lệ lao động tham gia BHXH, ảnh hưởng tới tiền lương và tạo thêm việc làm ở khu vực thành thị, nông thôn.
EVFTA sẽ tạo thêm khoảng 146 nghìn việc làm cho giai đoạn 2022 – 2025, bình quân khoảng 36,5 nghìn việc làm/năm. Một số ngành có tác động mạnh, hưởng lợi từ EVFTA như: xây dựng (tăng 0,065%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 0,063%); Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (tăng 0,061%); … Đặc biệt, so với khu vực khác, tiền lương tại các nước tham gia EVFTA cao hơn so với khu vực còn lại khoảng 17% - 28%, cao hơn khoảng 11% so với thời điểm EVFTA chưa có hiệu lực. Về tác động đến lao động, EVFTA cũng có nhiều tác động tăng nhu cầu việc làm theo giới, nhóm tuổi, trình độ chuyên môn kỹ thuật và cơ hội có việc làm thỏa đáng của người lao động.
Theo đó, EVFTA sẽ có tác động mạnh tới nhóm lao động từ 15 – 34 tuổi; tạo ra cơ hội việc làm cho nhóm lao động trình độ thấp; việc làm thỏa đáng của người lao động có xác suất cao hơn, đem lại nhiều lợi ích cho nhóm lao động nữ, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và lao động khu vực thành thị. Cung cấp thông tin thêm tại Hội thảo, bà Lê Huyền Nga, Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, phiên họp lần 2 của Ủy ban và Diễn đàn chung về thương mại và phát triển bền vững của Hiệp định EVFTA đã được tổ chức thành công, tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam và EU tăng cường hiểu biết về nhau, đặc biệt là trong vấn đề lao động – việc làm, gồm các hoạt động đang triển khai, mối quan tâm, ưu tiên cũng như cách tiếp cận.
Cũng theo bà Nga, tại phiên họp của Ủy ban thương mại và phát triển bền vững, các vấn đề mà Việt Nam và EU quan tâm đều đã được nêu xuất và trả lời chi tiết, thỏa đáng, giúp cả hai bên thấy rõ những nỗ lực của nhau, đặc biệt là Chính phủ Việt Nam trong việc thực thi nghiêm túc, đẩy đủ các cam kết EVFTA hay hiểu hơn về các quy định trong nước có liên quan đến thương mại, phát triển bền vững.

Ông Phạm Ngọc Toàn, chuyên gia từ Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH) trao đổi tại Hội thảo.
Thúc đẩy thực thi EVFTA đối với vấn đề lao động – việc làm
Để có thể tận dụng tối đa cơ hội đối với vấn đề lao động - việc làm từ EVFTA, chuyên gia của Viện Khoa học Lao động và Xã hội cũng định hướng, cần tăng cường công tác truyền thông để các đơn vị quản lý, người lao động và nhất là doanh nghiệp có thể nắm bắt được thông tin đầy đủ, từ đó nhận thức được cơ hội tiềm tàng từ EVFTA.
Đồng thời, Chính phủ cũng cần thực hiện công tác đánh giá và dự báo tác động của EVFTA và CPTPP hằng năm nhằm giúp Việt Nam kịp thời có những giải pháp ứng phó biến động của thị trường lao động (số lượng, chất lượng, loại lao động, ...), những thay đổi về chính trị - kinh tế của các nước tham gia hiệp định, khả năng cạnh tranh giữa các quốc gia, một số ngành trong nước có thể bị thu hẹp do cạnh tranh.
Thêm vào đó, phải tăng cường các biện pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng và doanh nghiệp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mặt chính sách; tăng cường dự báo nhu cầu lao động theo trình độ kỹ thuật và ngành nghề để đáp ứng yêu cầu của EVFTA, đưa ra kiến nghị phù hợp với điều chỉnh cơ cấu đào tạo của Việt Nam; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có kĩ năng, chất lượng cao; quan tâm công tác đào tạo và đào tạo lại lao động; đa dạng hóa giáo dục nghề nghiệp, đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động. Đại diện cho các doanh nghiệp, ông Nguyễn Hải Đức, Chủ tịch Hiệp hội thang máy Việt Nam đề xuất, các cơ quan quản lý nhà nước nên cụ thể hóa, chi tiết hóa các nội dung của EVFTA để có thể giúp cho doanh nghiệp, người lao động hiểu hết, hiểu kỹ về quyền lợi và lợi ích mà bản thân có thể hưởng từ các hiệp định này.
Ngoài ra, thực thi EVFTA là cơ hội lớn để khu vực công, khu vực tư có thể nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc của đơn vị mình. Nhất là khả năng nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động trên cả nước.